Bạn còn trẻ và đầy nhiệt huyết? Bạn có “máu” kinh doanh? Bạn khao khát làm chủ? Mở 1 cửa hàng cà phê là 1 lựa chọn khá hay để đáp ứng ước mơ của bạn. Tuy nhiên, cũng như mọi lĩnh vực khác nó cũng cần những hiểu biết nhất định. Tham gia vào 1 lĩnh vực hoàn toàn xa lạ nhiều khi cũng để lại những kết quả khá “đau thương”. Chuyên đề này mình giành để chia sẻ những kinh nghiệm của các vị tiền bối đã từng hoặc đang mở 1 cửa hàng cà phê. Kinh nghiệm này có thể đang giúp họ trụ lại hoặc cũng có thể là cái họ đã rút ra sau khi “nếm trái đắng”. Bài này xây dựng trên điều kiện bạn chưa có nhiều hiểu biết về lĩnh vực này, không quá dư dả về kinh tế và phải thuê mặt bằng.
I; KHÂU CHUẨN BỊ
Luôn là giai đoạn rất quan trọng trong mọi công việc. Một sự chuẩn bị kĩ lưỡng, chu đáo cho nhiều biến cố sẽ giúp bạn không quá bất ngờ hoặc thậm chí bị sốc khi kết quả thực tế không được như ý. Các mặt quan trọng cần chuẩn bị: kiến thức, nhân sự, vốn, địa điểm (mặt bằng)
– Kiến thức: những hiểu biết nhất định về công việc sắp sửa làm là vô cùng quan trọng. Hãy tìm hiểu mọi mặt về lĩnh vực này. Học hỏi từ các kinh nghiệm thực tế sẽ bổ ích hơn rất nhiều những lý thuyết sách vở. Và tất nhiên, cho dù kiến thức có nhiều đến mấy cũng không đủ trong thực tế cho nên điều mà mình muốn nói ở đây là hãy học hỏi, càng nhiều càng tốt.
– Nhân sự: Nhân sự là điều kiện quyết định thành công hay thất bại của mọi lĩnh vực. Trong kinh doanh thì vấn đề nhân sự lại càng quan trọng hơn. Nếu bạn có ý định làm chung với bạn bè thì lại càng phải cẩn trong hơn trong vấn đề này vì không chỉ ảnh hưởng tới thành công hay thất bại mà nhiều khi còn làm tình cảm rạn nứt thậm chí dẫn tới đổ vỡ tình cảm. Lời khuyên của mình với việc làm chung là: “góp đồng, chia đều”, công khai minh bạch trong mọi vấn đề đặc biệt là vấn đề tài chính, quy định rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi người và thực hiện sau khi đã đạt được sự thống nhất về ý kiến. Thực tế sẽ phát sinh vô số vấn đề từ nhỏ đến lớn nhưng đây được xem là “kim chỉ nam” cho 1 mối quan hệ hợp tác lâu dài trên cơ sở tình bạn. Nếu bạn hoàn toàn là chủ, theo thời gian và cường độ công việc một điều chắc chắn là bạn phải thuê nhân viên cũng có thể ngay sau khi mở là đã phải thuê. Vậy, lựa chọn người như thế nào là hay nhất? Tất nhiên đã có những tiêu chí chung, đối với trường hợp cụ thể này theo ý kiến của mình là nên chọn người ít tuổi hơn, chưa có kinh nghiệm hoặc có thể là “ở nhà quê mới lên”. Lí do là, tìm một người chưa có kinh nghiệm thì dễ dàng hơn và độ “chảnh” cũng thấp hơn người đã có kinh nghiệm và một số nguyên nhân khác sẽ được nói rõ hơn trong phần sau.
– Vốn: Kinh doanh thì phải có vốn. Tuỳ theo “gia cảnh” của bạn mà con số có thể nhiều hay ít. Trong điều kiện làm chung, số vốn đóng góp phải chia đều. Hãy lập bảng tài chính chi tiết tối đa, không nên dốc hết túi để làm, hãy có 1 khoản để giành phòng cho những trường hợp phát sinh. Nói chung, vấn đề về tài chính luôn hết sức phức tạp, mình sẽ cố gắng có những bài riêng để nói về vấn đề này.
– Vấn đề về mặt bằng. Nếu xét trên 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” thì mặt bằng chính là yếu tố “địa lợi”. Nhưng lợi hay hại thì cần phải xem xét. Những cái nên gần là gần khu đông khu dân cư, gần cơ quan. Những cái không nên gần là đường nhiều xe tải (vd quốc lộ rất bụi bặm và ồn ào) hoặc đối thủ lớn… Cơ hội thường đi kèm thách thức, đúng đắn nhất theo mình là thuê những mặt bằng có giá 5tr trở xuống đối với các quận bên ngoài và 10tr trở xuống ở các khu trung tâm. Trong thời gian đi làm mình đã gặp nhiều bạn trẻ không lường hết vấn đề về mặt bằng mà chấp nhận những mặt bằng khá cao giá và “knock out” sau vài tháng vì chi phí mặt bằng quá lớn. Hãy thận trọng và bình tĩnh, tham khảo thêm nhiều ý kiến trước khi đưa ra quyết định.
Tuy còn chưa được sâu sắc, theo mình đây là những vấn đề cơ bản các bạn trẻ cần tham khảo khi chuẩn bị bước vào lĩnh vực này. Ở bài tiếp theo sẽ là kinh nghiệm sau khi đã đi vào hoạt động. Mong nhận được sự quan tâm và đóng góp của mọi người để có thể hoàn thiện hơn vấn đề! Chúc các bạn mới bước vào sẽ có thành công trong tương lai!